Top 8 Điều Sinh Viên Y Dược Năm Cuối Nên Biết Trước Khi Bắt Đầu Kỳ Thực Tập
Đăng lúc: 10:51:40 06/04/2021 (GMT+7)
Kỳ thực tập là khoảng thời gian mà bất kỳ bạn sinh viên năm cuối dù theo học chuyên ngành nào cũng phải trải qua. Khoảng thời gian này vừa quan trọng lại bổ ích vì sẽ mang tới cho các bạn cơ hội được trải nghiệm công việc và môi trường làm việc thực tế trước khi ra trường.
Nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sinh viên sẽ dễ dàng và nhanh chóng thích nghi với môi trường thực tập. Từ đó mà bản thân có thể học hỏi và tích lũy nhiều kiến thức thực tế nhất. Vậy các bạn sinh viên Y dược năm cuối cần trang bị cho mình những gì để có một kỳ thực tập thành công? Nếu bạn đang tò mò muốn biết thì đừng vội bỏ qua bài viết này nhé!
Xây dựng mục tiêu cụ thể cho kỳ thực tập
Cuộc sống không mục tiêu chẳng khác nào một hành trình không có điểm đến xác định. Nếu bạn không hình dung được mình cần đạt được cái gì thì cũng sẽ không biết mình nên làm những gì. Mục tiêu chính là kim chỉ nam nhằm giúp chúng ta chinh phục được những thử thách, đạt được những điều mong muốn trong cuộc sống. Và chỉ khi có mục tiêu rõ ràng, có được hình ảnh cụ thể về thứ bạn muốn hướng đến mới giúp bạn dễ tìm ra cách chính xác để đạt được nó.
Chính vì vậy, trước khi bước vào kỳ thực tập, bạn đừng quên đặt ra cho mình những mục tiêu thật cụ thể theo từng ngày, từng tuần và từng tháng. Mục tiêu cần phải cụ thể, rõ ràng, khả thi và đo lường được. Quan trọng nhất là bạn phải tự đặt ra một khoảng thời gian để hoàn thành mục tiêu.Điều này không chỉ giúp bạn có thêm động lực để làm việc mà còn có thể kiểm soát tốt công việc của một thực tập sinh.
Thiết lập mục tiêu toàn đợt
Nắm chắc các kiến thức chuyên môn
Thực tập tại bệnh viện, trung tâm y tế hay nhà thuốc là thời gian quan trọng để bạn tự đánh giá chính xác nhất kiến thức và năng lực làm việc của mình.
Có một thực tế rằng khi đi thực tập, không phải sinh viên nào cũng nhận được sự hướng dẫn và giúp đỡ tận tình từ các cá nhân/đơn vị tiếp nhận thực tập. Do đó, nếu phải “một mình một ngựa” để tìm hiểu và giải quyết mọi nhiệm vụ hay yêu cầu được giao thì bạn cũng đừng tỏ ra ngạc nhiên nhé! Đấy vốn dĩ là nhiệm vụ chính của bạn trong kỳ thực tập này. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị một nền tảng kiến thức vững vàng để không phải đối mặt với những sự cố không mong muốn xảy ra.
Kiến thức chuyên môn phải nắm chắc
Thực hiện tốt nội quy cơ sở thực tập
“Nhập gia tùy tục” nên bạn hãy tuân thủ tốt nội quy của bệnh viện, các khoa, phòng mà bạn tới, cho dù bạn có là thực tập sinh của khoa ấy hay không. Ngoài ra, bạn nên chú ý đi trực đúng giờ, tuyệt đối không được trốn trực hoặc nghỉ trực, hạn chế sử dụng điện thoại khi đang trong giờ trực.
Trang phục cũng là một “yếu tố biết nói” để nói lên tính cách, thái độ và trách nhiệm của bạn với công việc và cơ sở bạn đang thực tập. Vì vậy, bạn nên ăn mặc gọn gàng, đầy đủ đồng phục blouse, mũ, khẩu trang và thẻ sinh viên trong giờ thực tập. Đặc biệt, bạn hãy hạn chế tối đa việc mặc quần áo blouse khi đi ra ngoài.
Thực hiện tốt nội quy cơ sở thực tập
Chuẩn bị cho mình một cuốn sổ ghi chép
Một trí nhớ tốt không bằng một nét mực mờ. Bởi vậy, bạn nên có một cuốn sổ tay để có thể ghi chép lại mọi thông tin. Đó có thể là nhiệm vụ mà bạn được giao, kiến thức mà bạn vừa tìm hiểu được hay một ý tưởng bạn vừa “nảy số”. Thói quen tốt này sẽ giúp bạn quản lý công việc của mình tốt hơn và bạn khỏi lo lắng về việc nhớ nhớ - quên quên rồi lại bỏ sót một số việc quan trọng.
Không ngừng rèn luyện kỹ năng giao tiếp
Khi đi thực tập, sinh viên sẽ bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp. Nếu muốn làm tốt công việc thì bạn phải tự rèn luyện cho mình kỹ năng giao tiếp trong đối xử với bệnh nhân và cả những đồng nghiệp tương lai của mình.
Cụ thể là bạn cần tạo dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, đặc biệt là những y bác sỹ, dược sỹ giàu kinh nghiệm. Nhờ vậy mà bạn sẽ đỡ cảm thấy “bơ vơ hay lạc lõng” giữa một “thế giới mới”. Đồng thời, cách này cũng giúp bạn dễ dàng học hỏi những kiến thức và kinh nghiệm thực tế từ họ.
Không ngừng rèn luyện kỹ năng giao tiếp
Luôn luôn giữ tinh thần cầu thị và ham học hỏi
Nếu bạn cứ nghĩ rằng trong thời gian thực tập, bạn chỉ nên “an phận” bằng việc “biết gì làm nấy” thì kết quả mà bạn thu được chắc chắn sẽ không cao. Do đó, bạn hãy luôn chủ động học hỏi, trao đổi thêm với mọi người xung quanh để làm giàu thêm kiến thức của mình.
Hơn nữa, đây cũng là cơ hội quý giá để bạn “ghi điểm” đối với cơ sở mà bạn thực tập - nơi bạn có thể sẽ ứng tuyển trong tương lai. Nhiều sinh viên Cao đẳng Y tế Thanh Hóa đã nhanh chóng có được việc làm ngay cả khi chưa kết thúc khóa học nhờ thể hiện tốt trong khi đi thực tập.
Luôn có tinh thần học hỏi
Nói không với việc đòi hỏi quá nhiều
Đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng góp phần tạo nên thành công của mỗi người. Khi bạn có tinh thần cầu thị, bạn sẽ biết cách cố gắng hơn để đạt được mục đích của mình.
Tuy nhiên khiêm tốn cũng không bao giờ là thừa khi bạn không có quá nhiều đòi hỏi bởi đây là thời gian cần kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hơn là tiền bạc. Điều này sẽ giúp bạn có được thiện cảm của mọi người và sẽ nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình hơn.
[Ảnh]
Không nên đòi hỏi quá nhiều
Học cách tự bảo vệ mình
Trong kỳ thực tập, hằng ngày, bạn sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân. Vì thế, bạn phải tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ sức khỏe. Chẳng hạn phải đảm bảo những đồ bảo hộ cần thiết như găng tay, khẩu trang, băng gạc, dung dịch sát khuẩn,… Nếu bạn không thể tự bảo vệ mình thì làm sao có thể bảo vệ những người khác sau khi ra trường?
Trên đây là top 8 điều mà mỗi sinh viên Y Dược năm cuối cần giữ nằm lòng để có thể thu về những “trái ngọt” sau kỳ thực tập. Đối với mỗi thực tập sinh, trong khoảng thời gian này dù có thể sẽ gặp muôn vàn khó khăn khi chưa đủ “cứng cáp” trong công việc, nhưng vẫn sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ và thật sự quan trọng để giúp họ trưởng thành hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Chúc bạn có một kỳ thực tập thành công sắp tới và sớm trở thành những “chiến sĩ áo trắng” đủ bản lĩnh để “xông pha ra mặt trận” nhé!