LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỌC LÂM SÀNG TỐT?
Đăng lúc: 07:57:48 10/03/2021 (GMT+7)
Đối với sinh viên Y thì việc học lâm sàng là một trong những học phần chiếm lượng lớn thời gian trong quá trình đào tạo tại Trường. Học lâm sàng mang đến cho sinh viên nhiều kiến thức thực tế về thăm khám, chăm sóc đối với bệnh nhân. Tuy nhiên việc học lâm sàng đối với sinh viên không hề dễ dàng. Muốn học lâm sàng tốt, bạn phải bỏ túi vài lời khuyên sau nhé:
Chúng ta sẽ làm được điều đó nếu có phương pháp đúng kèm thái độ học tập tích cực. Khắc phục những điều sau sẽ giúp bạn giỏi lâm sàng hơn:
1. Có kế hoạch cụ thể
Đề ra kế hoạch cụ thể kèm theo mục tiêu học tập chi tiết khi đi thực tập là cực kỳ quan trọng. Đối với sinh viên không nên “ôm đồm” học quá nhiều thứ trong thời gian ngắn. Hãy luôn bám sát mục tiêu của từng bài học.
Kế hoạch cụ thể được đề ra ngay khi bắt đầu đi lâm sàng. Một cách có thể giúp các bạn theo dõi lộ trình thực tập của mình đạt được những mục tiêu gì là tập trung vào 1 loại bệnh cho 1-2 ngày đi thực tập lâm sàng. Khi đã hoàn thành được danh sách các mục tiêu được đề ra thì mới đạt yêu cầu
2. Chuẩn bị kiến thức thật tốt
Không thể đi lâm sàng với cái đầu trống rỗng được. Không đọc sách trước ở nhà làm năng suất thực tập lâm sàng giảm đi rất nhiều. Có thể đi lâm sàng rất tất bật với biết bao nhiêu bài vở, không đọc kịp bài cũng dễ hiểu. Thường chúng ta học thành nhóm lâm sàng nhỏ. Cho nên nếu mỗi người được phân công đọc một mặt bệnh, lựa chọn một bệnh nhân mẫu để thăm khám và giảng bài, các bạn khác ngoài quan sát và đóng góp. Lúc đó sẽ giảm được áp lực tự đọc sách ở nhà, tăng hiệu quả làm việc nhóm và lợi ích sau cùng là cả nhóm sẽ học được nhiều hơn.
Nguồn tài liệu tham khảo của giảng viên lâm sàng dành cho các bạn cũng rất là quan trọng. Các bạn phải dành thời gian đọc tất cả các tài liệu đó để các buổi giảng lí thuyết lâm sàng học được nhiều hơn, biết cách hỏi “hay” hơn và tránh các câu “thắc mắc” thừa.
“đọc sách không bao giờ thừa, chỉ có ít đọc mới hay thắc mắc thừa…”
3. Đi sớm
Các bạn nên có thói quen đi lâm sàng sớm. Thông thường khoa phòng sẽ bắt đầu giao ban lúc 7 hoặc 7h15′ sáng, thời gian giao ban các bạn có thể tranh thủ khai thác bệnh nhân, tìm hiểu mặt bệnh trên lâm sàng trước khi giáo viên giảng
4. Biết cách giao tiếp với bệnh nhân
Một trong những khó khăn đa số sinh viênmắc phải khi thực hành lâm sàng, đó là không nhận được sự hợp tác của bệnh nhân trong việc thăm khám
Tạo sự thân thiện, tin tưởng của bệnh nhân với thái độ nhã nhặn, lịch sử, quan tâm và thông cảm
5. Tích cực tham gia vào chăm sóc người bệnh và thực hiện kỹ năng lâm sàng
Điều này giúp các bạn được rèn luyện kỹ năng nghề tốt nhất ngoài ra các bạn còn được nâng cao kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp ứng xử.
6. Hãy tranh thủ trực thêm nếu có thể
Các bạn hãy tranh thủ thời gian để trực thêm. Tuy nhiên để buổi trực thực sự hiệu quả và đảm bảo bạn học được nhiều thì bạn phải tỏ ra siêng năng, đúng giờ vì thời gian trực thêm ngoài giờ nhất là thứ 7, CN giúp các bạn được học và làm nhiều hơn tăng sự gắn kết với khoa và Bệnh viện nơi chúng ta học.
Trên đây là một số kinh nghiệm giúp các bạn học lâm sàng tốt hơn.
Chúc các bạn học lâm sàng thật tốt!